Sunday, October 12, 2014

Trách nhiệm của giới truyền thông


DẠY VÀ HỌC. Trần Văn Xẻn lời tâm huyết.Trách nhiệm của giới truyền thông. Quê hương đẹp hơn cả. "Sở dĩ các quốc gia văn minh trên thế giới được như ngày hôm nay là do người dân họ đã dày công xây dựng trong quá khứ. Người dân họ đã nhận lấy trách nhiệm xây dựng tổ quốc và cùng bắt tay canh tân hóa và lành mạnh hóa đất nước của họ chứ không chịu rời bỏ quê hương để sống nhờ ở một đất nước sẵn giàu sẵn đẹp. Người dân họ có tinh thần trách nhiệm rất cao nên đất nước họ mới có được như ngày hôm nay. Đó là thành quả của một quá trình phấn đấu, quyết tâm, kiên trì không ngừng nghỉ mà họ xứng đáng nhận được. Họ làm được thì ta làm được". Bài viết đánh thức trong chúng ta tâm huyết noi gương các người thầy của nhiều thế hệ thầm lặng hiến mình cho Tổ Quốc, quê hương, dấn thân "khai dân trí", biến blog thành trường học, khai thác mạng truyền thông thành nơi dạy và học.

TRÁCH NHIỆM CỦA GIỚI TRUYỀN THÔNG


Trần Văn Xẻn

Giới truyền thông trong bài viết này chủ yếu là những người sinh hoạt trong lĩnh vực văn chương, báo chí, truyền hình, các website, trang blog… Tại sao giới truyền thông phải có trách nhiệm? Câu trả lời rất đơn giản: xã hội có hoàn thiện hay không? con người sống hạnh phúc hay không? các tệ đoan xã hội còn tồn tại hay không? tất cả đều phụ thuộc giới truyền thông có lưu ý, quyết tâm và thực hiện tốt công tác bài trừ tệ đoan xã hội hay không? Vì truyền thông là phương tiện hữu hiệu chứa đựng sức mạnh to lớn. Nó có thể đẩy lùi cái xấu và truyền tải những điều tốt đẹp đến với mọi người.


Ở những quốc gia văn minh và phát triển, trách nhiệm của giới truyền thông không lớn lắm. Nhưng, ở những quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển - nơi chứa đựng và là mầm móng của nhiều tệ đoan xã hội thì trách nhiệm của giới truyền thông là vô cùng to lớn. Nắm trong tay phương tiện truyền thông, đòi hỏi người truyền tải thông điệp phải có tâm, có tầm nhìn, phải biết mình nên làm gì trước những bức xúc, những tệ nạn, những tiêu cực đã và đang diễn ra hằng ngày trong cuộc sống.

Thế nhưng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, chúng ta đã sử dụng các phương tiện truyền thông như những phương tiện mưu sinh và quên đi tác động to lớn và mạnh mẽ của truyền thông lên tâm thức con người. Thật vậy, con người ai cũng có lý trí, cũng biết lắng nghe và thẩm thấu những điều hay lẽ phải. Điều quan trọng là làm cách nào để những điều hay, những điều tốt đẹp được truyền tải một cách văn minh, trọn vẹn nhằm tác động mạnh mẽ lên ý thức con người. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cách làm truyền thông của ta chưa được tốt. Đó cũng chính là thiếu sót mà các nhà truyền thông cần lưu ý và khắc phục nếu muốn đất nước ngày một hoàn thiện, văn minh và phát triển.

Đất nước ta vừa trải qua hai cuộc chiến đầy cam go và quyết liệt. Suốt một thời gian dài, dân ta phải sống trong cảnh lầm than, cơ cực dưới ách đô hộ của giai cấp thống trị. Nói về khổ, không đất nước nào bằng đất nước của chúng ta. Ngày trước, dân khổ vì chiến tranh, bây giờ dân tiếp tục khổ vì tệ đoan xã hội. Một trong những cái khổ đó là:

- Khổ do cờ bạc, cá độ, lô đề...
- Khổ vì bệnh tật do nghiện rượu.
- Khổ do bạo hành, bạo lực (trong gia đình và ngoài xã hội).
- Khổ do nạn nạo phá thai ngày một tăng và nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.
- Khổ do lạm dụng chất kích thích (xì ke, ma túy, thuốc lắc..)
- Khổ do trộm cướp hoành hành.
- Khổ vì ô nhiễm môi trường (từ khí thải và rác rưởi).
- Khổ do ùn tắt giao thông và sự bất cẩn, cẩu thả của người tham gia giao thông khiến tai nạn giao thông ngày một tăng.
- Khổ vì ngộ độc thức phẩm (do tồn trữ và cung cấp nguồn nguyên liệu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm).
- Khổ vì phải làm dâu xứ lạ của các cô gái trẻ bị gia đình ép lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc…


Những cái khổ trên, ở các quốc gia văn minh, hầu như không có hoặc rất ít. Tại sao? Không phải vì dân họ thông minh hơn dân mình, không phải vì dân họ đạo đức hơn dân mình, mà do sự quyết tâm bài trừ tệ đoan xã hội của dân họ trong quá khứ. Trong đó, giới truyền thông đã làm tròn trách nhiệm: cổ vũ cái tốt và bài trừ cái xấu. Chính phủ và giới truyền thông của những quốc gia này đã trải qua quá trình kiến thiết đất nước hữu hiệu hơn chúng ta. Chúng ta hãy can đảm chấp nhận thực tế yếu kém này và cùng suy nghĩ tìm ra phương án để góp phần cải thiện xã hội ngày một toàn diện hơn. Một trong những phương án hữu hiệu và thiết thực nhất là các giới truyền thông hãy hợp lực cùng nhau trong công cuộc đả phá các tệ đoan xã hội. Đây là cuộc chiến không nhân nhượng. Nó đòi hỏi sự kiên trì, bền bĩ và quyết tâm cao độ. Chỉ như vậy, mới có thể xóa bỏ triệt để các tệ đoan xã hội.

Với báo chí
 
Báo chí dần dà trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống mọi người, nhất là ở người thành thị. Việc này cho thấy báo chí có thể góp phần cải tạo xã hội vô cùng hiệu quả. Tất cả các nhật báo, tuần báo, nguyệt san… ngoài thông tin hàng ngày, có thể dành một phần của tờ báo để đăng tải những bài viết “phá tệ đoan” một cách liên tục, khi đề tài này, khi đề tài khác, đăng đi đăng lại nếu cần, ngày này qua ngày nọ, cho đến khi những tệ đoan trên không còn nữa. Việc này đòi hỏi một sự hy sinh rất lớn từ tờ báo. Nhưng, hy sinh cho quốc gia dân tộc của mình là sự hy sinh cao quý đúng không?


Với truyền hình
 
Truyền hình ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong sinh hoạt giải trí của người dân. Chúng ta có thể tận dụng phương tiện này để cải tổ xã hội. Các đài truyền hình nên dành một số kênh trong ngày để phát những tiết mục có tác dụng đả kích, phê phán các tệ đoan xã hội. Thường xuyên trình chiếu và phát sóng những chương trình, những cuộc hội thoại, những vở kịch, những cuốn phim đề cao những tấm gương đạo đức. Tuyệt đối không trình chiếu những phim bạo động, khích dục… những gì con em có thể bắt chước làm đồi trụy thêm xã hội của chúng ta. Nếu được như thế, xã hội sẽ dần dần được cải tiến một cách không ngờ.


Với văn học
 

Văn học là kho tàng văn hóa của dân tộc. Văn chương vừa là bạn, vừa là thầy trên bước đường tiến đến văn minh. Với hiện tình xã hội, chúng ta nên bổ sung những tác phẩm có nội dụng:
- Đề cao lòng yêu nước – hy sinh quyền lợi cá nhân và gia đình để đóng góp tích cực vào việc kiến thiết đất nước.
- Đề cao sự hy sinh cao quý – hy sinh cho gia đình, cho đoàn thể và tổ quốc.
- Đề cao lòng vị tha – lấy tình thương xóa bỏ hận thù, lấy tình đồng hương để đoàn kết dân tộc.
- Đề cao việc thượng tôn pháp luật trong mọi lĩnh vực.
- Đề cao sự cần, kiệm, liêm, chính của tất cả mọi người trong mọi ngành nghề.
- Đề cao sự hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.
- Đề cao sự tương kính lẫn nhau – đối xử nhau như người thân, dù có sự bất đồng ý kiến về một việc gì đó, kể cả ý thức hệ.
- Đề cao sức mạnh của nghị lực để vượt qua những cám dỗ của cuộc đời như bài bạc, rượu chè, xì ke, ma túy…
- Đề cao sự siêng năng học hỏi và tinh thần cầu tiến.
- Đề cao sự tham gia tích cực các hoạt động từ thiện ngoài xã hội…
 

Chúng ta cần những tác phẩm có hậu (happy ending), những tác phẩm đem lại niềm tin và hy vọng cho độc giả sau khi đọc xong tác phẩm. Các văn sĩ hãy dùng văn tài của mình để sáng tác những tác phẩm có ích lợi thiết thực cho đất nước nhiều hơn.

Với các website, blog và facebook:
 

Sự lan tỏa và phát triển của internet góp phần thúc đẩy sự tiến bộ và văn minh của xã hội loài người. Tuy nhiên, con người đã và đang lạm dụng phương tiện này với những mục đích không lành mạnh làm mất đi giá trị vốn có của nó. Thật vậy, các website, các trang blog và facebook thay vì đưa lên những hình ảnh đồi trụy, những lời lẽ thô tục, những bài viết mạ lụy, vu khống, chia rẽ dân tộc thì hãy đưa lên những hình ảnh tốt đẹp, những lời khuyên bổ ích, những bài viết lành mạnh, ôn hòa, có tính thuyết phục cao để truyền tải và đánh động đến tâm tư người đọc một cách trọn vẹn nhất.

Về mặt thông tin, hạn chế đăng tải những tin tức mang tính khủng bố, đe dọa, bạo lực, bạo hành… tích cực đưa những thông tin có nội dung, lành mạnh, hữu ích, những gương người tốt, việc tốt… hướng người xem đến chân - thiện - mỹ. Thí dụ như chuyện loạn luân, bức hiếp phụ nữ, những thông tin này chẳng những không đem lại ích lợi cho người xem mà còn gieo vào đầu độc giả những hình ảnh không tốt đẹp và đem lại cảm giác đau buồn cho người xem. 

Những việc trộm cướp bị đưa ra tòa luận tội thì rất đáng được đăng, vì nó sẽ làm chùn bước những người sắp gây tội phạm. Việc giới hạn thông tin xấu giống việc giới hạn vật thực xấu – chỉ nên tiêu dùng vật thực tốt cho sức khỏe, chứ không phải tiêu dùng tất cả những gì hiện diện trên quả địa cầu này, nhất là những thứ rất có hại cho sức khỏe như rượu, thuốc lá, xì ke và ma túy. Nói tóm lại, những thông tin xấu dễ làm người ta bi quan, ủy mị, thậm chí bắt chước nếu pháp luật không xử lý nghiêm minh. Ngược lại, những thông tin tốt lại giúp người ta lạc quan và có niềm tin vào cuộc sống - như những việc làm từ thiện chẳng hạn. Những người làm website, viết blog…nên cẩn trọng hơn trong cách viết bài và truyền tải thông điệp để cải tạo xã hội ngày một hoàn thiện hơn.

Với video và phim ảnh
 
Video và phim ảnh ngày càng bành trướng sâu rộng với tầm ảnh hưởng hết sức lớn lao. Chúng ta hãy thực hiện những cuốn phim đả phá tệ đoan xã hội và đề cao nếp sống đạo đức con người. Tuyệt đối không thực hiện những video, phim ảnh mang tính bạo lực, đồi trụy… 


Cuộc sống đã có quá nhiều tội ác và bạo động. Chúng ta không nên đưa những cảnh bạo động, những hình ảnh kích thích vào phim ảnh làm trẻ em bắt chước. Những tội ác vi phạm tình dục ngoài xã hội phần lớn là hệ quả nghiêm trọng từ việc lạm dụng, bắt chước video và phim ảnh. Hãy ban hành sắc lệnh nghiêm cấm và xử lý nặng những trường hợp vi phạm. Các nhà làm video, phim ảnh hãy thấy rõ trách nhiệm của mình để làm sao cho xã hội ngày một thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Nếu chúng ta không nhận lấy trách nhiệm bài trừ các tệ đoan xã hội thì lấy ai gánh vát trọng trách này đây? Quê hương có tốt đẹp hay không là do mỗi người có chịu đóng góp tích cực, chứ không thể qui mọi trách nhiệm cho nhà nước. Nếu có thể, chúng ta hãy vận động với chính phủ và quốc hội ban hành những đạo luật cần thiết để bài trừ tệ đoan xã hội. Ngày nào xã hội còn tệ nạn thì ngày đó trách nhiệm của giới truyền thông vẫn còn. Chúng ta hãy sáng tác những tác phẩm chất lượng, thực hiện những cuốn phim, những vở kịch đề cao lối sống lương thiện, nếp sống đạo đức, bài xích tệ đoan và vận động với các giới truyền thông khác để cùng nhau lành mạnh hóa xã hội, thiết lập dần lối sống chuẩn mực của một xã hội văn minh, lịch sự.

Sở dĩ các quốc gia văn minh trên thế giới được như ngày hôm nay là do người dân họ đã dày công xây dựng trong quá khứ. Người dân họ đã nhận lấy trách nhiệm xây dựng tổ quốc và cùng bắt tay canh tân hóa và lành mạnh hóa đất nước của họ chứ không chịu rời bỏ quê hương để sống nhờ ở một đất nước sẵn giàu sẵn đẹp. Người dân họ có tinh thần trách nhiệm rất cao nên đất nước họ mới có được như ngày hôm nay. Đó là thành quả của một quá trình phấn đấu, quyết tâm, kiên trì không ngừng nghỉ mà họ xứng đáng nhận được. 

Họ làm được thì ta làm được? Tâm lý của người Việt trong nước: chỉ muốn vượt ra ngoài để có cuộc sống tốt hơn về tinh thần và vật chất. Tâm lý người Việt ngoài nước: không bao giờ có ý định về nước sinh sống vì đã có được một tương lai ổn định ở xứ người. Nếu tất cả người Việt đều như thế thì lấy ai xây dựng đất nước? Tại sao người trong và ngoài nước, không cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam văn minh và phồn thịnh như những quốc gia tiên tiến trên thế giới để chúng ta và những thế hệ kế tiếp sinh sống? 

Hãy can đảm và vững tin, đừng vì bất cứ lý do gì khiến ta chùn bước. Có như vậy, mới mong kiến thiết được một đất nước Việt Nam văn minh và giàu đẹp, để tự tin sánh sai với các cường quốc năm châu và cộng đồng quốc tế.

Trần Văn Xẻn


đọc thêm:


CÂU CHUYỆN ẢNH(Bấm vào đây để đọc bài mới nhất)
 

1 comment: