Sunday, July 20, 2014

Thư gửi thủ tướng Lý Khắc Cường

 
Kính thưa ông,

Theo AFP, ngày 18/6/2014, trong cuộc gặp các học giả, chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp tại Thủ đô London của Vương quốc Anh, ông tuyên bố “Người Trung Quốc vốn dĩ yêu hòa bình. Khổng Tử từng dạy : điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác, điều này đã in dấu trong ADN của dân tộc chúng tôi” .
Ông còn nói: “Bành trướng không có trong ADN người Trung Quốc và chúng tôi không thể chấp nhận nguyên lý cho rằng một quốc gia mạnh nhất định phải trở thành bá quyền. Rồi ông nói tiếp “Đối với những hành vi kích động rắc rối và phá hoại hòa bình, Trung Quốc (TQ) sẽ phải thực hiện mọi biện pháp kiên quyết để ngăn chặn, không để tình hình ngoài tầm kiểm soát: (Theo Báo Thanh niên số 171 ra ngày 20/06/2014 ). Đọc xong đoạn này tôi suy nghĩ rất nhiều, tâm trạng vô cùng bức xúc.
Sau đây, với danh nghĩa là người có vinh dự và may mắn học cùng một trường với ông ở Đại học Bắc Kinh, trên tinh thần dân chủ, khoa học, tôi xin mạn phép được trao đổi chân thành và thẳng thắn đôi điều về nội dung bài phát biểu của ông (1).
 
Phát biểu của ông hẳn ai cũng biết, nằm trong bối cảnh thế giới lên án, phê phán mạnh mẽ và rộng khắp về việc TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 từ hơn một tháng rưỡi nay tại thềm lục địa thuộc Biển Đông của Việt Nam. Ông thanh minh, giải thích, cố trấn an dự luận thế giới.
Song, đây là những điều ông nói với những người không hiểu biết hoặc thiếu hiểu biết, chứ người hiểu biết làm sao mà tin được.
1.  Ông bảo rằng, bành trướng không có trong ADN người Trung Quốc. Thật vậy sao?Muốn kết luận chính xác điều này phải thông qua sự giám định của giới khoa học am hiểu lịch sử. Còn người bệnh thì phải thông qua chẩn đoán, giám định của y học.
Tôi xin phép điểm qua lịch sử dân tộc Việt Nam từ hơn 2000 năm qua để ông có cái nhìn khách quan, thực sự cầu thị. TQ hơn 2000 năm qua đã bao nhiêu lần xâm lược Việt Nam, gây bao đau khổ tang tóc cho người dân Việt Nam.
- Từ năm 111 (trước CN), triều đình nhà Đông Hán đã sai Triệu Đà, Mã Viện, Tô Định đem 100.000 quân xâm lược Việt Nam (lúc bây giờ gọi là Âu Lạc)
Cuộc khởi nghĩa do  Hai Bà Trưng – Trưng Trắc, Trưng Nhị lãnh đạo đã bị dìm trong biển máu.
- Đầu thế kỷ thứ X, nhà Tống lại đem hàng chục vạn quân do chủ soái là Thái tử Giao vương Lưu Hoàng Thao cầm đầu sang xâm lược Việt Nam. Ngô Quyền đã phất cao cờ nghĩa cứu nước, tiêu diệt Hoàng Thao (năm 938).
- Đầu thế kỷ XV, triều đình nhà Minh lại đưa hàng chục vạn quân, tướng tá, sang đánh phá xâm lược Việt Nam. Lê Lợi và Nguyễn Trãi tập hợp những người yêu nước, đoàn kết một lòng, trường kỳ kháng chiến (1418 – 1427 ), chống trả quân xâm lược, và đại phá quân Minh ở Chi Lăng (1427) đuổi giặc Minh về nước.
- Đến cuối thế kỷ XVIII, triều đình nhà Thanh phái Tôn Sĩ Nghị đưa 50 vạn quân sang đánh Việt Nam. Mùa Xuân năm Kỷ Dậu – năm 1789, Tướng Nguyễn Huệ – Quang Trung với tài cầm binh thao lược, thần tốc đánh tiêu diệt quân Thanh. Quân Thanh phải đầu hàng, tháo chạy không còn mảnh giáp, cút về nước. Tôn Sĩ Nghị kinh hồn bạt vía, chạy thoát chết.
Đó là điểm sơ qua thời kì cổ, cận đại.
Bước sang thời kì hiện đại, có 3 sự kiện đáng ghi nhớ.
Một là:  vào đầu năm 1974, lợi dụng tình thế miền Bắc Việt Nam đang dồn sức vào công cuộc chống Mỹ cứu nước, Trung Quốc đem quân đánh chiếm Hoàng Sa (lúc bấy giờ theo hiệp định Geneve, Hoàng Sa do quân đội Việt Nam Cộng Hòa quản lý) giết chết 74 lính Việt Nam Cộng Hòa. Từ đó, TQ chiếm luôn Hoàng Sa cho mãi đến bây giờ.
Hai là: vào ngày 17/02/1979, ông Đặng Tiểu Bình ra lệnh đưa 9 quân đoàn với 500 xe tăng và hàng nghìn vũ khí đột nhiên đánh phá vùng biên giới phía Bắc Việt Nam với lý do “ dạy cho Việt Nam một bài học”.  Người dân Việt Nam ngỡ ngàng không biết bài học đó là bài học gì ? Cuộc chiến này làm hơn 4 vạn quân dân Việt Nam hy sinh!.
Ba là: ngày 04/03/1988, Trung Quốc đột nhiên đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam làm 64 chiến sĩ đang làm nhiệm vụ phải hi sinh và bắt sống 9 chiến sĩ khác.
Ông giải thích như thế nào về các sự kiện trên?
Có điều là, sử sách ghi chép rằng tất cả những cuộc xâm lược đó đều không mang lại kết quả gì, chỉ làm tổn hao xương máu của nhân dân hai nước, xâm hại tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt – Trung.
Cho nên, qua sự hiểu biết và theo dõi của chúng tôi, thì người dân Trung Quốc, bao gồm trí thức chân chính Trung Quốc là yêu hòa bình, trong gen họ không có tư tưởng bành trướng. Đúng là như vậy. Còn giới cầm quyền, lãnh đạo Trung Quốc xưa nay không phải vậy.
Tóm lại, Việt Nam không hề đưa quân sang lãnh thổ TQ gây hấn, mà tất cả đều là Trung Quốc đưa quân sang Việt Nam đánh phá lấn chiếm. Sử sách ghi chép rõ ràng, không một ai có thể bóp méo, xuyên tạc được.
alt
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Còn có một sự kiện, thế giới vẫn đang thắc mắc tiện thể tôi nêu ra đây, là vào năm 1962, Trung Quốc đánh chiếm Ấn Độ 380.000 km2 vùng biên giới Akasai, thực hư như thế nào, xin ông nói cho thế giới biết.
2. Trong bài phát biểu, ông Lý viện dẫn Khổng Tử để biện minh cho lý lẽ của mình. Tôi học ở Trung Quốc 7 năm, nên có điều kiện hiểu biết ít nhiều về Khổng Tử. Trong lòng tôi rất khâm phục và kính nể Khổng Tử. Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhân sĩ, trí thức Việt Nam đều rất tôn kính Khổng Tử.  Không những về đạo đức làm người của ông mà còn về học thuyết triết lý xã hội của ông. Ở Mỹ xếp Khổng Tử là người đầu tiên trong 10 danh nhân thế giới (thế giới thập đại danh nhân chi thủ). Ở Trung Quốc, tôi được biết, Khổng Tử được xem là thánh nhân, được dạy trong các cấp học, từ tiểu học đến đại học. Những lời nói Khổng Tử trở thành kinh điển.
Tư tưởng, học thuyết Khổng Tử đã tồn tại hơn 2600 năm. Khổng Tử dạy con người phải có đạo đức, phải hiểu Lễ, Nghĩa. Các trường học ở Việt Nam phần nhiều đều treo khẩu hiệu, lời dạy bảo của Khổng Tử: “Tiên học Lễ, Hậu học Văn” . Đã làm người phải học lấy chữ Nhân, phải lấy Nhân Nghĩa làm đầu, không làm những điều thất nhân, thất đức, thất tín, phải làm điều Thiện. Khổng Tử nói “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo” (Điều thiện, điều ác cuối cùng đều được báo đáp). Chính Khổng Tử là người đề xướng thế giới đại đồng, Tứ hải giai huynh đệ (bốn biển đều là anh em) và thuyết giáo quyền bình đẳng về của cải. Những năm gần đây, Trung Quốc nêu phương châm xây dựng một xã hội hài hòa, đó chính là vận dụng đưa học thuyết Khổng Tử vào cuộc sống. Đã là anh em, xây dựng xã hội hài hòa, sao còn đánh chiếm đất đai của kẻ khác, cậy mình giàu mạnh đe dọa, uy hiếp kẻ khác. Trên thế giới này, nếu ai ai cũng học Khổng Tử, làm theo Khổng Tử thì xã hội tốt đẹp biết bao!
Ông trích dẫn lời Khổng Tử: điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Rất đúng, rất hay! Về phạm trù thiện ác, chính tà này, Khổng Tử còn có nhiều câu hết sức chí lý, tôi xin nêu tiếp, chẳng hạn như:
“Quân tử làm điều lành cho người khác, không làm điều ác cho người khác” (“君子成人之美,不成人之恶”)
“Người quân tử mưu ở điều Nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu mưu ở điều Lợi” (“君子喻于义,小人喻于利”)
“Làm điều lành được báo đáp điều lành, làm điều ác , ắt gặp phải điều ác”
(“积善逢善,积恶逢恶)
Tôi rất tâm đắc câu “Quân tử nói bằng việc làm, tiểu nhân nói bằng ngọn lưỡi”.
Điều đáng tiếc là ông Lý dẫn lời Khổng Tử mà không làm theo lời Khổng Tử, ngôn hành bất nhất.
Chắc ông Lý biết rõ hơn ai hết, sau buổi chiêu đãi Chủ tịch TQ Tập Cảnh Bình vào ngày 28/03/2014 tại Berlin, Cộng Hòa Liên Bang Đức, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng ông Tập tấm bản đồ cổ năm 1735 do Nhà xuất bản bản đồ học nổi tiếng người Pháp Jean Baptiste Bourguignon d’ Anville vẽ, trong đó các vùng Tây Tạng , Tân Cương, Mãn Châu Lý không thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Và bản đồ này không vẽ Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc. Vậy ông Lý giải thích như thế nào về tấm bản đồ này?
Trong phần cuối bài phát biểu, ông Lý ám chỉ, răn đe Việt Nam. Còn ai gây rối, kích động, phá hoại hòa bình xin nhường cho Thế Giới phán xử. Viết đến đây, tôi cũng xin dẫn lời Đức Khổng Tử: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” có nghĩa là: Giàu sang không tham lam, nghèo hèn không nao núng dao động, sức mạnh cường quyền không khuất phục đầu hàng” để kết thúc cuộc trao đổi này.
Kính chào trân trọng.
TP.Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 06 năm 2014
Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc
Nguyễn Thiện Chí
Hoan hô ông Nguyễn Thiện Chí, ông viết rất hay, nói rất rõ ràng với người đồng môn trường Bắc Kinh của ông, riêng tôi không học ở TQ nhưng vào internet làm 1 con tính thống kê đếm các cuộc chiến tranh xâm lược trong lịch sử TQ từ đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh đến ĐCSTQ ngày nay gây ra với VN để bạn ông rõ :
                       
 Triều đai TQ
 Trị vì (năm)
Số cuộc chiến
 Xâm lược VN
Tỉ lê %
Tống
167
2
1,19
Nguyên
97
3
3,09
Minh
276
1
0,36
Thanh
276
1
0,36
ĐCSTQ
65
4
6,15
Vậy thì thưa ông, Đảng của bạn ông mới trị vì đất Trung Hoa có 65 năm đã gây ra 4 cuộc chiến tranh với Việt Nam chết hàng chục vạn sinh linh cho 2 dân tộc, hơn moi triều đại lịch sử phong kiến trước đây của nước ông, sao bạn ông quên nhanh thế.Vậy gen ADN chẳng những không lặn đi mà đang trội lên với cấp số nhân.
TTCh
Người viết bài này : Nguyễn Thiện Chí, học khoa Ngôn ngữ – Văn học Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh . Tốt nghiệp năm 1961

Ghi chú : – Ông Lý Khắc Cường, học Khoa Pháp Luật, Trường Đại học Bắc Kinh, tốt nghiệp năm 1982.

Nguyễn Thiện Chí
Địa chỉ liên lạc: Nguyễn Thiện Chí
- Giảng viên cao cấp Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Ủy viên Ban thường vụ Hội hữu nghị Việt – Trung TPHCM
- Trưởng ban liên lạc Cựu lưu học sinh, thực tập sinh Việt Nam tại Trung Quốc
Số nhà: 116/879B Nguyễn Kiệm, P3 Quận Gò Vấp TPHCM
Điện thoại: (08)39856473/ 0983.809.808
( Nguồn: nguyennguyenbay...)
 
 

No comments:

Post a Comment